previous arrow
next arrow
Toàn thể Giáo viên, nhân viên trường THPT Thới Lai -
Tại thời điểm năm học 2020 - 2021
Slider

Thầy Lưu kính mến!

Khi nhận được lá thư này, em biết thầy sẽ không khỏi ngạc nhiên. Bởi lẽ với một bộ môn “khô khan” và “tư duy” mà thầy đảm nhiệm sẽ có ít ai nhớ về thầy như một hình ảnh khó phai.

Thầy ơi! Thời gian trôi qua thật nhanh phải không thầy? Mới đó thôi, thầy trò ta đã cộng sự với nhau hơn một năm. Một năm trôi qua đầy những tiếng cười, buồn vui, hạnh phúc và cả những lời dạy, những kinh nghiệm sống mà thầy truyền đạt. Tất cả mọi ký ức, mọi thứ hiện lên khá rõ trong em như một cuốn phim rất đổi thân thương. Có người từng nói: “ Thời gian là của ta, dù giàu hay ngheo ta vẫn có thời gian.” Nhưng thầy ơi! Thầy trò ta không thể làm cho thời gian quay trở lại một lần nữa. Quay lại để hình ảnh của thầy, tiếng nói của thầy vẫn vang mãi bên em. Để mọi thứ trở nên vĩnh cửu. Thầy có biết không? Nếu như ngày đấu tiên, cái ngày mà một đứa học trò nhỏ bé, tâm hồn mơ tưởng về một chân trời mới, với em hình ảnh và cả tên thầy như một làn gió nhè nhẹ lướt ngang chiếc mũi nhỏ nhắn của em. Nhưng thầy ạ! Thời gian không vô tình như em nghĩ. Thời gian trôi qua, nhưng mọi thứ trong em như dần nhạt phai, duy chỉ có hình ảnh của thầy, lời nói của thầy như chiếm lĩnh và ôm lấy trọn vẹn trái tim em. Một hình ảnh không gầy gò, không lực lưỡng nhưng sao đi vào tim em nhanh thế? Một giọng nói không trong trẻo như tiếng chim cũng chẳng ồ ồ như tiếng máy xay lúa, nó ấm áp và nồng hậu. Tát cả đi sâu vào tâm hồn của một đứa học trò một cách vô tư, nhẹ nhàng không vướn bận. Thầy ơi! Sao mà ấm áp, nhẹ nhàng thế? Khi thầy cười, ánh mắt thầy như sáng hẳn. Ánh mắt ấy, một sự triều mến khá thân thương, đi vào lòng em như những cánh hoa buổi sớm mai khẽ rơi xuống mặt hồ yên ả trong khí trời ấm áp. Ánh mắt thân thiện, hạnh phúc của một người cha, người chú thấy con mình, cháu mình vô tư và hạnh phúc. Những lúc thầy thất vọng, thầy buồn, nét mặt thầy co rúm lại, đôi lông mày chụm vào nhau, vầng trán hiện lên những nét nhăn khá rõ. Cũng chính ánh mắt ấy, ánh mắt tràn đầy một nỗi niềm xót xa và không kém phần thất vọng, vỗ về khi thấy con mình lầm lỗi. Nhưng em biết rằng, thầy vẫn ở đấy, thầy vẫn ngồi đấy.

Chưa bao giờ, chưa một phút giây nào thầy bỏ chúng em cả. Bởi lẽ đối với cha con vẫn là đứa trẻ phải không cha? Thầy là một người cha, một người chú, là một người lái đò lặng lẽ, miệt mài trên con sông đầy rẫy ghập ghềnh. Thầy là người nông dân lam lũ, gieo mầm ước mơ cho chúng em trên những vùng đất mới, chân trời mới. Thầy là người bạn, niềm an ủi lớn lao trong cuộc đời, trên con đường không bằng phẳng em đi. Khi em trở nên nhỏ bé, trơ trội, hụt hẳn và hoàn toàn bất lực giữa dòng thác chảy xiết của cuộc đời, thầy xuất hiện và nâng bước em đi. Vẫn với giọng nói tha thiết “khó khăn chỉ là trước mắt”, thầy như cứu vớt cuộc đời em, một sự khuyến khích mạnh mẽ giúp em vượt qua cảnh nghèo, sự thiếu thốn và cái khó khăn trong cuộc sống. Thầy ạ! Hai tiếng gọi thầy sao mà tha thiết thế? Một ngày của thầy bắt đầu từ buổi sáng tinh mơ với công việc “lái đò” trên con sông “bục giảng” và rồi lại kết thúc bằng một đêm khuya vắng lặng. Một hình dáng không cao cũng chẳng gầy gò, vẫn miệt mài, vẫn thầm lặng bên những trang giáo án với ánh đèn của chiếc máy tính bàn. Thầy! Có bao giờ thầy cảm thấy mệt mỏi? Có bao giờ thầy muốn bỏ chúng em? Hay trong một giây phút nào đó thầy dành riêng cho bản thân mình chăng? Thầy như một người lái đò không mệt mỏi. Vẫn ngày đêm, vẫn âm thầm đưa bước và cập bến cùng chúng em. Dù thầy vẫn biết “còn ai nhớ, ai quên con đò xưa”. Dù năm tháng có vô tình trôi mãi mãi, có hay chăng bao mùa lá rơi. Thầy đã đến, đã đến như muôn ngàn tia nắng, sáng soi bước em trong cuộc đời. Em vẫn nhớ, nhớ cái ngày ấy, những khi trời mưa rơi, thầy vẫn chiếc áo xưa choàng đôi vai, chiếc xe gắn máy đã cũ, thầy vẫn đi, vẫn đi, đi tìm chân trời mới cho chúng em, thầy đi trong buồn vui lặng lẽ.

Đêm nay trời đầy sao thầy nhỉ? Kia một ngôi sao, kia hai ngôi sao, rồi ba, bốn,…ngôi sao. Làm sao em đém có thể đếm được hết các vì sao vì bởi lẽ, tất cả các vì sao, tất cả, tất cả…là công ơn của thầy. Làm sao em đếm hết công ơn người thầy? Thầy! Thầy đã bước đén cuộc đời em, đi vào cuộc đời em như ánh mặt trời soi sáng tâm hồn của một đứa học trò rụt rè, nhút nhát và vấp ngã. Thầy mang đến cho em những điều vô cùng quý giá, không phải là tiền bạc, vật chất mà thứ thầy mang đến cho em là niềm tin, niềm an ủi, hạnh phúc, gieo vào đầu em vô vàng màu sắc của cuộc sống tươi đẹp. Một cuộc sống mới! Một chân trời mới! Thầy ơi! Làm sao em đếm hết công ơn người thầy?

Học trò của thầy

Tuấn Anh

“Muốn sang phải bắc cầu kiều Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”

Ảnh: Kỉ niệm 30 năm thành lập trường THPT Thới Lai Cô Loan đứng ở vị trí thứ 5 bên phải qua

Câu ca dao bất hủ ấy mặc dù đã ra đời khá lâu nhưng nó vẫn còn giữ nguyên giá trị và sống mãi trong lòng các thế hệ học trò cho đến ngày hôm nay. Để hòa mình vào dòng chảy tri ân của lòng yêu thương vô bờ bến đó, hôm nay nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu và vinh danh tấm gương điển hình trong hoạt động sư phạm của Trường Trung học phổ thông Thới Lai. Đó là cô: Trần Thị Tuyết Loan – một cô giáo miền Tây yêu nghề và tâm huyết, một cánh chim không mỏi trong sự nghiệp trồng người. Trong một chuyến thăm, trên con đường khoảng 27 km từ trường Trung học phổ thông Thới Lai đến nhà cô, cách chợ Bình Thủy không xa. Trước mắt chúng tôi là hình ảnh một ngôi nhà với khoảng sân không rộng lắm nhưng đầy cây xanh và hoa. Bên trong được bày trí ấm cúng, nhẹ nhàng mà đầy nghệ thuật. Chúng tôi được cô đón ngay trước cổng, vừa bước vào nhà cô nồng hậu mời tất cả mọi người ngồi ghế và dùng nước. Sau những lời thăm hỏi sức khỏe, tôi hỏi cô về cuộc đời khi bắt đầu sự nghiệp giáo dục. Nhớ lại những ngày đầu nhận công tác, cô tâm sự: “Cô tốt nghiệp Đại học Cần Thơ năm 1983, chuyên ngành Sinh học và Kỹ thuật phát triển nông nghiệp. Khi ra trường, cô được phân công giảng dạy ở Cờ đỏ (Trường Trung học phổ thông Hà Huy Giáp hiện nay). Nhưng cô sinh viên ngày ấy đã không nhận quyết định vì sợ đường xa, cảnh lạ để rồi năm sau (1984) nhận quyết định về Trường Trung học phổ thông Thới Lai (thời đó là phân hiệu của Trường Trung học phổ thông Lưu Hữu Phước, thuộc quận Ô Môn bây giờ) và gắn bó từ ngày ấy. Ngày xưa, đường từ Ô Môn tới Thới Lai, trời nắng thì bụi mù, trời mưa thì bùn lầy. Phương tiện di chuyển của giáo viên thời đó chủ yếu là xe đạp và tàu (những chiếc giỏ lãi, tàu nhỏ và dài với bề ngang vừa đủ hai người ngồi). Đi xe đạp thì phải đi từ lúc trời tờ mờ sáng nên cô thường đi từ chiều hôm trước, mà đi tàu cũng lắm nhọc nhằn, sáng sớm, nào là hàng hóa, nào là người cùng chen chúc nhau, người đến trước, ngồi trước, người đến sau thì ngồi sau. Nhưng để có thể đến chỗ ngồi sau chỉ có một đường duy nhất: đi trên be tàu rồi lên mui vòng ra sau. Đó là cả một vấn đề với người chưa từng quen sông nước. Lần đầu tiên phải đi trên be tàu, cô đã trượt chân, chút xíu là rơi xuống nước, may mà có người giữ lại được. Dù vậy, cô cũng phải cố gắng vượt qua mui tàu để đến chỗ ngồi và khi tàu cặp bến thì được… miễn phí. Những lúc cực khổ quá, cô cũng tỏ ra chán nản, nhiều lần về nhà nghỉ luôn mấy ngày liền không lên trường. Nhưng rồi cũng quen dần với nghề, với các thế hệ học sinh, với con người và mảnh đất Thới Lai nên không thể rời xa!” Và cứ như thế thời gian thấm thoát trôi, cô gắn bó gần trọn 30 năm với ngành Sư phạm. Với mảnh đất này, cô thật sự xúc động trước sự đùm bọc, sẵn sàng sẻ chia của phụ huynh cùng với tình yêu thương của các em học sinh. Đó là động lực lớn lao, giúp cô kiên trì, bền bĩ vượt qua tất cả mọi khó khăn để bám trụ và đứng vững với nghề. Mặc dù đã qua tuổi thanh xuân nhưng nhìn hình dáng bên ngoài ít ai biết cô đã ngoài 50 tuổi, bởi cô luôn tươi trẻ, nhanh nhẹn. Càng ngạc nhiên hơn, lúc nào cô cũng năng động tham gia tích cực các phong trào thi đua do ngành tổ chức như: “Nét đẹp nhà giáo”, các hội thi Khéo tay kỷ niệm 08 tháng 3, Mừng xuân, Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp thành phố…Cô từng là người đẹp Thới Lai thướt tha trong tà áo dài hay đằm thắm trong chiếc áo bà ba của cô con gái miệt vườn Nam bộ. Học trò thì hay gọi “cô Loan hoa hậu” để phân biệt. Có thể thật sự cô không đẹp như một hoa hậu nhưng với sự yêu thương của các em và chỉ riêng với các em, cô là một hoa hậu dễ thương và đáng mến nhất. Cô từng đạt Giáo viên dạy giỏi cấp huyện 3 năm liền (1987 – 1990), Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh 2 năm (năm học 1992 – 1993 và 2001 – 2002). Ban giám khảo các phong trào, các hội thi do trường tổ chức bao giờ cũng có tên cô như: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong học sinh và giáo viên, “Hội thi lồng đèn”, “ Hội thi kể chuyện sách”, “Hội thi thời trang”, “Giáo viên dạy giỏi vòng trường”… Cô luôn xác định, mỗi người chúng ta cần phải học tập và làm theo gương Bác. Nhất là giáo viên thì phải xem việc tự học là nhiệm vụ thường xuyên để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu giảng dạy và hoàn thành tốt nhiệm vụ: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây; Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” Cô còn chia sẻ thêm, chính bản thân mình cũng không ngừng tự học, tự bồi dưỡng về chuyên môn và nghiệp vụ, với suy nghĩ “Học là nhiệm vụ suốt đời, học từ thầy, học từ đồng nghiệp, học từ sách vở và học từ cuộc sống xung quanh ta...”. Đặc biệt bộ môn của cô gắn liền với thực tiễn, với đời sống, cô càng cần tìm hiểu nhiều hơn, trong thời đại mở hôm nay. Dù dạy môn tự nhiên nhưng cô có cách truyền đạt đầy cảm xúc với giọng nói nhẹ nhàng và đặc biệt là rất quan tâm đến văn chương. Cô thường giới thiệu với chúng tôi về một bộ phim hay đang phát sóng hay cùng chia sẻ về một chương trình có ý nghĩa nào đó. Trong các buổi chuyện trò, thế nào chúng tôi cũng được biết đến một câu chuyện cười nhẹ nhàng, ý nhị do cô sưu tầm. Khi sinh hoạt ngoại khóa cho các em học sinh về chuyên đề “Sức khỏe sinh sản vị thành niên và thanh niên”, các em không thể quên được câu chuyện “Không được! Dừng lại!” hay cô đồng nghiệp của tôi nhất định tìm hiểu ngay về bài thơ “Lá diêu bông” của thi sĩ Hoàng Cầm mà cô nhắc đến khi giới thiệu cảm xúc về tình yêu của tuổi mới lớn. Giờ tôi mới chợt nhận ra là giáo viên cũng là nghệ sĩ. Chỉ bằng giọng nói, với tấm chân tình và trình độ nhất định, chúng ta có thể làm những điều tưởng chừng khô khan, khó nói trở nên sống động, gần gũi và dễ hiểu. Chỉ những điều xuất phát từ trái tim mới có thể lay động chính trái tim mà thôi. Cuối cùng thì bao công sức của cô đã không phí, không hoài. Năm 2000, cô được tặng Huy chương “Vì Sự nghiệp giáo dục” (lúc cô mới có 16 tuổi nghề). Đặc biệt năm 2010, cô vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Cô luôn đi đầu trong phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Năm 2012, cô được tặng Kỷ niệm chương “Vì Sự nghiệp công đoàn”. Ở trường, cô là một người thầy, người chị, người bạn gương mẫu, giàu kinh nghiệm được đồng nghiệp quý mến, học trò kính trọng, thương yêu. Trên lớp, cô luôn xem trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin và đổi mới phương pháp giảng dạy nên những bài học của cô luôn sinh động và hứng thú. Nhất là phát huy được tính tích cực, chủ động của học sinh. Tiết học của cô, luôn là những giờ học mong đợi của nhiều học sinh. Các em cứ tiếc ngẩn ngơ sao mà qua nhanh quá, khi tiếng trống hết tiết vang lên. Khi nói về cô, em Thanh Toàn học sinh lớp 12A5 (2013 – 2014) tâm sự: “Cô Loan dạy rất dễ hiểu, những ví dụ cô đưa ra về môn học rất gần gũi với cuộc sống nên em tiếp thu bài rất nhanh, giọng cô rất nhẹ nhàng, những gì các bạn không hiểu cô đều tận tâm chỉ dạy …” hay những lá thư học trò viết hỏi thăm cô đầy xúc động: “Bằng ngôn từ bình dị nhất. Cùng những điều tốt đẹp nhất. Chúng em cảm ơn vì tất cả những gì đã qua…!...! Mong cô luôn gặp những gì tốt đẹp nhất trong cuộc sống…!...!” Lớp 12A3 (2012 – 2013) Bằng chứng là năm năm gần đây, Tổ Sinh học luôn có học sinh giỏi cấp thành phố. Năm học nào, cô cũng nhận Giấy khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Sở giáo dục và đào tạo, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở… Bên cạnh công tác giảng dạy, cô còn đảm nhiệm chức vụ Tổ trưởng chuyên môn. Tích cực tham mưu và giúp Ban lãnh đạo trong việc quản lý tổ cũng như các hoạt động sư phạm khác. Cô luôn tận tâm, thân thiện, khích lệ và hết lòng giúp đỡ các thành viên trong tổ, nói riêng và đồng nghiệp nói chung. Với cách thức làm việc khoa học và nhân văn, cô đã điều hành tổ chuyên môn hoạt động tốt và đi vào chiều sâu, nhiều năm liền đạt danh hiệu Tổ tiên tiến xuất sắc. Khi nói nói về cô, Thầy Nguyễn Mạnh Hùng – Hiệu trưởng nhà trường nhận xét: “Cô Loan là giáo viên dạy lâu năm, dày dặn kinh nghiện, có nhiều cống hiến cho trường. Cô tích cực tham mưu và giúp đỡ cho Ban giám hiệu trong việc quản lí tổ cũng như các hoạt động sư phạm khác. Mặc dù nhà xa, điều kiện đi lại khó khăn nhưng cô vẫn gắn bó với trường, trong khi cô có nhiều cơ hội luân chuyển công tác để được gần nhà. Cô Loan là một giáo viên gương mẫu, có kiến thức chuyên môn sâu rộng và vững vàng. Luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn cũng như công tác quản lý tổ. Cô lúc nào cũng hòa đồng, quan tâm giúp đỡ đồng nghiệp, tâm huyết với nghề, hết lòng yêu thương các em học sinh đặc biệt là những em gặp khó khăn…” Cô từng hỗ trợ kinh phí cho 02 đoàn viên ưu tú có hoàn cảnh khó khăn tham gia về nguồn do Đoàn trường tổ chức ở Hà Tiên (2012 – 2013). Sau mỗi đợt kiểm tra của khối 12, cô thường có quà cho các em đạt điểm từ 7.5 trở lên, các em có tiến bộ vượt bậc, các em là con giáo viên và các em có hoàn cảnh khó khăn. Phần quà đơn giản chỉ là tài liệu ôn tập bộ môn do các thầy, cô trong Tổ Sinh học tuyển chọn dưới sự hướng dẫn của cô. Dù nhỏ, nhưng đó là cả tâm huyết và tình cảm thân thương mà cô gởi gắm trong từng kiến thức trọng tâm cũng như hình thức trình bày. Và đôi lúc nó chiếm một khoảng không nhỏ lương của cô. Với riêng cô, đó cũng là cách mà cô đền đáp phần nào về những gì cô đã nhận được trước đây, từ Thầy, Cô của mình. Nước mắt bao giờ cũng chảy xuôi là vậy. Cô còn là người rất đảm đang. Cô bày cho các đồng nghiệp nữ cách móc giỏ, nón, túi đựng điện thoại làm quà cho người thân cũng như tăng thêm thu nhập cho gia đình. Cô Ngọc Thủy trường tôi, từ một người chưa biết kim móc ra làm sao, giờ thì móc nhanh thoăn thoắt. Cô còn tự may áo dài, áo bà ba cho mình. Khi nói về công việc gia đình, cô bảo: “Chẳng làm gì hết…các em cô đều làm tất cả mọi thứ cho cô”. Nhưng gia đình cô gồm 12 thành viên, cô thứ ba đồng nghĩa là chị lớn nên cũng chịu nhiều vất vả để phụ ba mẹ lo cho các em ăn học. Cô cho biết, lẽ ra cô nghỉ học từ năm lớp 11 (1977 – 1978) để học lớp sư phạm, về dạy cấp I. Nhưng một người bạn của ba cô khuyên: “Con ra đời sớm sẽ khổ sớm!”. Nhờ vậy cô mới có ngày hôm nay. Trong 10 anh chị em cô thì có phân nửa theo nghề của ba: đi dạy học. Năm 2004, cô và người em thứ năm dạy ở Thạnh Trị (thầy Trần Anh Tân) cùng nhận giải thưởng Võ Trường Toản do Công ty Prudential và báo Sài gòn Giải phóng tổ chức. Các thành viên còn lại đều có nghề nghiệp ổn định. Hiện nay, cô sống cùng với ba mẹ và hai người em. Qua những lời tâm sự của cô, tôi cảm nhận được một điều: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi…” (Trịnh Công Sơn). Mặc dù tôi biết trong những chuyến đò đưa khách sang sông ấy ít có người khách nào tìm lại. Cũng như mưa từ trên trời mưa xuống chứ đâu có dưới đất mưa lên. Học trò ra trường rồi cũng vậy, các em sẽ tìm tới một chân trời mới chứ ít ai có đôi lần tìm lại nơi xưa: “Lặng xuôi năm tháng êm trôi Con đò kể chuyện một thời rất xưa Rằng người chèo chống đón đưa Mặc cho bụi phấn giữa trưa rơi nhiều” Nhưng chúng tôi tin chắc rằng, với sự tận tâm, với tấm lòng yêu thương học sinh vô bờ bến thì hình ảnh của cô sẽ luôn sống mãi trong lòng mỗi thế hệ học sinh. Kết thúc chuyến thăm cô, trên bước đường trở về, lòng tôi ngẩn ngơ và tự đặt ra nhiều câu hỏi về mình, về nghề mà mình đang theo… Bất chợt, một âm thanh từ xa vọng lại làm tôi sực tỉnh và dõi mắt chăm chú nhìn theo cánh chim bay mải miết lao vút giữa bầu trời.

GV Võ Thanh Mãi - THPT Thới Lai

Bài viết tri ân về Mẹ của em Ngô Hồng Xuyên lớp 12B7 năm học 2012-2013

Mẹ kính yêu!

Hôm nay, có lẽ rất nhiều người đang gửi đến thầy cô những lời tri ân ngọt ngào và sâu sắc nhất. Riêng con, con chỉ mong một ngày có thể bày tỏ hết những tình cảm của con dành cho mẹ. Giờ đây, con ngồi viết những dòng chữ này gửi cho mẹ. Bởi khi con nhìn lại, không thể nào ngờ được vòng quay của bánh xe thời gian. Nó dài lắm mẹ ạ. Mới đó mà đã mười tám năm, từ khi con còn trong nôi cho đến bây giờ con đã thực sự lớn thành người. Con hiểu đó là niềm hạnh phúc vô tận mà mẹ giành cho con dù tình yêu đó không cần nói lên thành lời.

Mẹ yêu! Tình thương của mẹ dành cho con là tấm gương cho thấy sự hiện diện của mẹ có ý nghĩa như thế nào đối với gia đình. Ngày con chào đời, ba bảo điều đầu tiên mà mẹ làm khi nhìn thấy con là hé một nụ cười thật tươi, thật hạnh phúc khi con được sinh ra, dù mẹ chưa biết con có thể làm gì khiến ba mẹ vui lòng!

Mẹ chỉ là một người phụ nữ nghèo, mỗi ngày phải ngồi tựa nơi góc chợ để đong đếm từng lon gạo đổi lấy cá. Con vẫn nhớ những ngày tháng cơ cực ấy. Mẹ chắt chiu từ đồng để lo cho chúng con ăn học, mong con không thua kém bạn bè. Con biết được rằng, sâu thẳm trong tâm hồn mẹ luôn dành những gì tốt đẹp nhất cho con. Giờ đây, con đang sống lại những ký ức thuở ấu thơ mẹ ạ!

Con vẫn nhớ cái ngày đầu tiên cắp sách đến trường. Mẹ nắm tay và dẫn con đến ngôi trường bé nhỏ. Trường chỉ cách nhà bốn trăm mét thôi. Vậy mà mẹ chẳng bao giờ buông tay con. “Mẹ sợ con lạc mất mà!”. Câu nói ấy của con khiến mẹ phì cười và cho rằng có lẽ con nói đúng. Trường làng của mình nghèo lắm mẹ ạ! Nó cũ kỹ đơn sơ, tấm bảng mang tên trường cũng vậy, nó có thể rơi xuống bất cứ lúc nào nếu chỉ cần một cơn gió lùa qua. Còn con của mẹ thuở ấy chỉ là một cô bé nhỏ xíu, chẳng cao to bằng ai, lúc nào cũng rụt rè. Và vì thế mẹ sợ con chẳng theo kịp bạn bè nên đã tìm mọi cách để đưa con lên trường huyện học. Dù đường xa nhưng ba năm liền ngày nào mẹ cũng đi cùng con. Đưa con đến trường mẹ tất bật chạy vê nhà chuẩn bị cơm nước, đến giờ chạy lại đón con. Ngày nào cũng vậy, khiến cho đôi dép lào cũng phải mòn đi theo năm tháng. Thấy mồ hôi ướt lả con bảo:”Mẹ ơi từ nay con tự đến trường được, mẹ không cần đưa rước đâu ạ!” mẹ cười nhẹ rồi lắc đầu, chắc có lẽ mẹ vẫn chưa tin vào khả năng của cô bé học lớp ba hả mẹ? Con vẫn nhớ ngày mẹ dạy con “Ráng học để làm người”. Con không hiểu câu nói ấy nghĩa là gì cả, hai chữ làm người mà mẹ bảo là sao nhỉ? Chẳng phải mình đang sống và đang làm người đó sao? Mẹ thật thích nói đùa. Nhưng rồi hai chữ ấy lại in sâu vào tâm trí con khi nghe mẹ dặn dò phải nhớ cho kĩ. Mỗi lần cắp sách đi học, lang thang trên đường con lại lép nhé hai chữ “làm người”. Ngày qua ngày, cho đến tận bây giờ con mới hiểu hai chữ làm người ý nghĩa thật sự là chi và nó khó thực hiện ra sao trong suốt quá trình con phấn đấu. ĐÓ là bài học quí giá mà mẹ dành cho con. Con sẽ khắc ghi mãi mãi trong tim mình để cố gắng mẹ ạ! Bởi chưa bao giờ bày tỏ với mẹ nên con chẳng bao giờ biết một thứ tình cảm làm xao động con tim. Nhưng từ những việc mẹ làm, mẹ dạy, con thấu mẹ là người duy nhất ngoài ba quan tâm lo lắng cho đàn con bốn đứa từ khi lọt lòng mà chẳng vãn than. Giờ đây, tóc mẹ đã điểm nhiều sợ bạc bởi mẹ lúc nào cũng chăm chú làm việc quần quật không kể thời gian. Tối đến phải chờ đến khi đàn con ngủ một giấc no nê mẹ mới nhắm mắt. Mỗi bữa ăn, cái gì gọi là ngon nhất mẹ đều dành cho con cả! Mới đây, ba bắt đầu bệnh, mẹ phải tiếp tục thay ba gồng gánh về mọi mặt, từ kinh tế cho gia đình, từ cái áo, cái quần, từ miếng ăn, giấc ngủ. Rồi những ngày thi cuối cấp mẹ thay ba ngồi cạnh con suốt năm, sáu giờ liền. Chỉ mấy tháng trôi qua mà gương mặt mẹ hằn lên những vết nhăn. Những vết nhăn ấy là do những năm tháng nhọc nhằn còn theo mãi bên mẹ.

Mẹ hiền của con ơi! Cái gì gọi là vui vẻ, cái gì gọi là hạnh phúc khi con sống trên cõi đời này mẹ đã mang đến cho con tất cả rồi! Và mẹ ơi, giờ con gái của mẹ đã lớn, con sắp tốt nghiệp phổ thông và chuẩn bị hành trang bước vào tương lai. Con đường phía trước xa vời quá mẹ ạ! Vũ trụ ngày càng rộng lớn bao nhiêu thì con càng thấy mình nhỏ bé bấy nhiêu. Thật diễm phúc cho con khi từ trước đến giờ bên con luôn có mẹ. Có những đêm con trăn trở bởi những phút giây con được yêu thương bằng tình cảm thiêng liêng của mẹ nhưng con chưa bao giờ cảm ơn mẹ, chưa bao giờ làm điều gì khiến mẹ vui lòng cả! Con xin lỗi mẹ không biết con sẽ sống ra sao nếu cuộc đời này trở nên vắng bóng mẹ.Con sợ lắm. Sợ một ngày mẹ sẽ xa rời con, lúc ấy con phải làm gì? Có những lúc vô tình mẹ bảo:”Mẹ mệt muốn chết!”, thì giọng con nghèn nghẹn tự khi nào:”Con không muốn mẹ chết! Mẹ chết rồi thì ai sẽ chăm sóc con! . . . “ Hoặc lúc con bệnh thì ai sẽ nấu cháo con ăn? Mỗi khi nghĩ đến điều đó con lại càng muốn gần mẹ, chẳng muốn xa mẹ một phút nào, một giây nào cả. Con ước ao những kỉ niệm ấu thơ sẽ trở về một lần nữa và sống mãi trong con để con được nằm gọn trong vòng tay mẹ, cảm giác được sự che chở của người mẹ hiền.

Mẹ ơi! Khi nào ngòi bút đặt xuống trang giấy trắng, nhìn lại quãng đường mà con và mẹ đi qua, dài bao nhiêu thì con lại càng muốn nói thương mẹ bấy nhiêu lần. Con thấy lòng mình bỗng dưng buồn bã. Bở có những phút con thờ ơ trước sự vất vả của mẹ, trách móc và thậm chí so sánh mẹ với mẹ của bạn bè! Đôi lúc đi học về thấy bụng đói, con lật đật đi tìm cơm nhưng con chưa bao giờ bảo:”Mẹ đã ăn chưa?” hay nói với mẹ một câu:”Mẹ ơi, cùng ăn cơm với con nhé!”. Chưa một lần như thế. Mẹ hãy tha thứ những phút giây dại khờ ấy cho con trẻ nhé mẹ.

Mẹ kính yêu! Tình thương và sự che chở của mẹ suốt đời này con sẽ luôn ghi nhớ dù chẳng biết bao giờ con đền đáp hết công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ. Con không có ngôn từ nào để diễn đạt tình thương bao la ấy. Bởi có những lời đã nói ra rồi nhưng cũng có biết bao điều con chưa bao giờ bày tỏ được. Tình cảm của con chỉ dành trọn trong câu nói “Con yêu mẹ”. Con thực sự hạnh phúc khi trên đời được làm con của mẹ và mẹ là mẹ của con. Cảm ơn mẹ đã nuôi dưỡng đến ngày con trưởng thành. Mẹ không lùi bước dù gặp bao nhiêu khó khăn, gian khổ. Con đã lớn và giờ con sẽ cố gắng là niệm tự hào của mẹ, mẹ ạ. Mẹ hãy cho con cơ hội ấy. Mẹ ơi! Trong con mẹ chính là dòng suối diệu hiền. Mẹ là tiếng hát thần tiên đưa con vào giấc ngủ bình yên mẹ là ngọn đuốc mỗi khi bước chân con lạc lối. Con luôn vững tin rằng mẹ mãi mãi là hơi ấm sưởi ấm trái tim con.

Từ trước đến giờ mẹ luôn là người hi sinh cho con mà không hề đòi con phải trả công. Nhìn mẹ, con lạ nghĩ đến bao nhiêu người mẹ khác, họ cũng có con, con chợt nghĩ và tin rằng họ cũng đang hạnh phúc khi họ có mẹ như con có mẹ vậy. Nhưng mẹ tuyệt vời hơn bởi trong lòng con mẹ lúc nào cũng là người phụ nữ đẹp nhất mà con hằng yêu quí và kính trọng. Con hứa sẽ khắc ghi những kỉ niệm đẹp cũng như những lời dạy ngọt nào mà mẹ dành cho tặng con. Con yêu của mẹ sẽ cố gắng hoàn thiện bản thân trong bước đường tương lai để mẹ luôn được an lòng vui vẻ mẹ ạ!

“Hạnh phúc thay người nào được thượng đế ban tặng một người mẹ hiền” – Người đó là con. Thật vậy, hạnh phúc thực sự của con trong cuộc đời này là có mẹ, mẹ đã cho con tất cả rồi, mẹ là cuộc đời của con. Còn rất nhiều điều con muốn nói cùng mẹ nhưng con không đủ can đảm mẹ ơi, cà con cũng hiểu rằng không có từ ngữ nào có thể diễn đạt được tình cảm bao la trời biển ấy. Giờ con chỉ biết cầu mong mẹ mãi mãi ở cạnh con. Cùng con đi hết đoạn đường này. Con chúc mẹ luôn khỏe, luôn bình anh, mẹ là người quan trọng nhất đối với con trong cuộc đời này. “Con yêu mẹ nhiều lắm” mẹ ạ!

Con Yêu Của Mẹ

“Thầy chính là những vì sao thắp sáng

Là đèn đường soi rạng bước em đi

Còn cô là người mẹ hiền phú quý

Mà trời dành dạy dỗ chúng em”

Từng dòng thơ nhẹ nhàng vang lên như gieo vào lòng người bao cảm xúc mơn mang khôn tả. Từng vần thơ như dòng suối mát lành chảy qua tâm hồn ta khiến ta phải suy, phải nghĩ, phải hoài niệm về thầy cô những người cha, người mẹ thứ hai của mình. “ Thầy cô” hai tiếng gọi nghe thân thương kì lạ! mà ta mang trong tim suốt cuộc đời. Cũng bởi trong cuộc sống này cha mẹ là người sinh ra ta, nuôi dưỡng và dạy bảo ta nên người thì thầy cô chính là những tia nắng ấm khai phá vòm trời tri thức trong ta. Ai đó đã ví “ dưới ánh nắng mặt trời không nghề nào quý hơn nghề dạy học”. Vâng! Thật vậy nghề dạy học là một nghề hết sức cao quý và thầy cô đã, đang và sẽ làm một sự mệnh hết sức lớn lao là “ trồng người”. Năm năm, tháng tháng, ngày ngày thời gian cứ thế nhẹ nhàng trôi nhanh nhưng thầy cô vẫn vậy vẫn tần tảo sớm hôm bên trang giáo điều để soạn những bài học hay cho chúng em. Theo dòng thời gian, mái tóc thầy cũng điểm bạc, đôi tay đã thô ráp, ánh mắt kia đã mờ nhưng thầy cô vẫn đứng đấy nơi bục giảng thân quen ôn tồn truyền đạt những bài học hay, những bài học làm người cho học trò của mình. Vất vả khó khăn là vậy, nhưng thầy cô có bao giờ phàn nàn hay oán trách một câu. Cũng bởi, niềm vui lớn nhất của thầy cô là khi được thấy những hạt mầm do chính tay mình vun trồng đã khôn lớn., trưởng thành mang hoa thơm, quả ngọt hiến dâng cho đời. Nếu chúng em là con diều thì thầy cô chính là sợi dây diều, dù chúng em có bay cao bay xa đến đâu cũng không thoát khỏi sự lo lắng bận tâm của thầy cô. Thầy cô là la bàn định hướng cho cuộc đời chúng em. Cuộc đời của chúng em sẽ đi về đâu nơi đỉnh cao của thành công hay vực sâu thất bại tấc cả đều phụ thuộc vào người lái đò tận tuỵ là thầy cô.

“Một mùa thu như bao mùa thu trước

Nắng hồng lên trong mắt biếc học trò

Phấn bảng đen nét mực thầy vẫn đó

Sao con tìm mà chẳng thấy ngày xưa”

Lại một mùa thu nữa đã về. Lại một mùa tri ân nữa lại đến. Đây có lẻ là thời điểm, là khoảnh khắc tuyệt vời nhất bởi chúng ta được bày tỏ tình yêu thương trân trọng, trong sáng như ngọc, cao cả như biển trời mà lũ học trò chúng em muốn gởi đến thầy cô. Thu về một cách đột ngột khiến em vô cùng ngỡ ngàng, khiến em chưa nhận ra hết những tình cảm, niềm tin mà cô thầy dành cho chúng em. Tình cảm của thầy cô dành cho học trò là như nhau. Nhưng đối với chúng em mỗi thầy cô là một bảng giao hưởng khác nhau. Riêng bản thân em, người đã để lại trong em nhiều ấn tượng nhất có lẽ là cô chủ nhiệm của em cô Nguyễn Thị Phượng giáo viên môn Vật Lý. Đây là năm đầu tiên em học ở ngôi trường này nên những ấn tượng về thầy cô chưa thật rõ nét với em. Nhưng chính cô đã mang lại cho em một cảm giác vô cùng đặc biệt. Những ngày đầu tiên đặt chân vào trường, chúng em như những chú chim non đang sải cánh yếu ớt bay giữa một vòm trời cao vời vợi, chúng em cảm thấy lạc lõng đến vô cùng nhưng cô đã đến bên chúng em khiến chúng em cảm thấy vững tin hơn. Cô như một điểm tựa vững chắc cho chúng em giữa không gian mới mẻ này. Và cũng ngày đầu tiên ngồi vào lớp được biết cô là giáo viên chủ nhiệm không biết như thế nào nhưng em cảm thấy vô cùng thân quen. Chắc là do nụ cười dễ thương như thiên thần của cô, nụ cười đó như có một sức mạnh vô hình xoá bỏ khoảng cách giữa cô và chúng em. Ấn tượng đầu tiên về cô, cô là người vui vẻ, hay cười và vô cùng dễ thương. Những ngày đầu bỡ ngỡ ấy cô đã giúp cho chúng em bắt nhịp được với môi trường học tập ở cấp 3 vô cùng khó khăn và khắc nghiệt. Và rồi chúng em cũng quen dần với nơi đây, quen thầy, quen cô nhiều hơn trước nhưng người đặc biệt nhất có lẻ vẫn là cô, những bài giảng của cô luôn tạo cho chúng em sự hứng thú đến lạ kì mặc dù từ trước đến nay Vật Lí vốn là môn học khô khan khó hiểu với những con số vô hồn nhưng không, mỗi tiết học của cô chính là một bài học trải nghiệm của chúng em. Vẫn nụ cười ấy và ánh mắt thân thương ấy cô đã mang những hạt vàng kiến thức đến chúng em một cách thật nhẹ nhàng. Cô là một người hài hước luôn mang vào lớp không khí thoải mái, vui tươi. Cô là một chuyên gia tâm lí, những tâm tư tình cảm của chúng em cô đều thấu hiểu để rồi cổ vũ động viên chúng em vững tin hơn trước con đường đời còn lắm chông gai phía trước. Đối với nhiều bạn thầy cô chính là người cha người ẹm thứ hai nhưng riêng em cô như người chị, người bạn thân của mình. Và đối với từng thành viên của lớp 10AV cô vẫn luôn ngự trị trong trái tim chúng em!

“Mỗi năm chỉ có một lần

Hai mươi, mười một ngày dành thầy cô

Học trò bao nét điểm tô

Khăn tơ áo lụa kéo vô chúc mừng”

Vậy là một màu hiến chương nhà giáo lại về, đây chính là thời điểm đẹp đẽ nhất để cô cậu học trò chúng ta nói lên tiếng lòng của mình đối với thầy cô những người ươm mầm giấc mơ. Công ơn mà thầy cô dành cho chúng ta là vô cùng to lớn tựa như biển trời. Chính vì lẽ đó phận là học sinh những người thụ hưởng chúng em nguyện khắc ghi công ơn cô thầy. Nếu ví thầy cô như một nốt nhạc thì nốt nhạc ấy du dương, trầm bỗng da diết lòng người. Nếu ví thầy cô như những dòng sông thì thầy cô ngày đêm vun đắp phù sa.

“Dẫu đếm hết sao trời đêm nay, dẫu đếm hết lá mùa thu rơi nhưng ngàn năm làm sao em đếm hết công lao người thầy” Hôm nay nhân ngày 20/11 chúng em xin gửi đến quý thầy cô lời cảm ơn chân thành nhất. Cảm ơn những trang giáo điều của thầy cô, cảm ơn những giọt mồ hôi lẫn những giọt nước mắt của thầy cô vì chúng em mà đổ xuống. Dù biết rằng lời cảm ơn thôi là chưa đủ, nhưng chúng em vẫn hi vọng rằng lời cảm ơn này đủ lớn làm cho thầy cô cảm thấy hạnh phục. Hi vọng rằng thầy cô sẽ luôn vui vẻ, hạnh phúc để vững tay chèo đưa lớp lớp chúng em sang bến bờ tri thức.

Nhan Thị Ánh Tuyên - 10AV - THPT Thới Lai

Món quà vô giá

Mới đây mà tôi đã vào ngành được một năm rồi. Trong một năm giảng dạy đối với tôi có rất nhiều điều làm tôi phải nhớ mãi, một trong những điều đã làm tôi nhớ mãi đó là ngày 20/11/2011.

Tôi còn nhớ hôm ấy là một ngày có tiết trời khá mát mẻ, khi tôi vừa đặt chân vào cổng trường, tôi có một cảm giác rất hạnh phúc và xen lẫn vào đó là niềm tự hào. Một hình ảnh đầu tiền trong đôi mắt của tôi đó là những em học sinh tập trung thành những hàng rất đẹp, nhà trường chuẩn bị mọi thứ rất chu đáo. Khung cảnh thật đẹp và trang nghiêm, tự nhiên lúc ấy trong tôi có một cảm giác rất lạ, hình như tất cả mọi sự vất vả trong những ngày giảng dạy đã tan biến trong tôi, thay vào đó là cảm giác sung sướng và tự hào biết bao về ngôi trường mến yêu – trường trung học phổ thong Thới Lai. Tôi từ từ bước ra hàng ghế dành cho giáo viên, lòng cảm thấy phơi phới, vui sướng làm sao ấy! trước mắt tôi là những nụ cười rạng rỡ, những đôi mắt tròn xoe đầy náo nức của các em học sinh để đón chào ngày lễ tri ân các thầy cô giáo. Và bên cạnh tôi là các thầy các cô giáo, cũng ngập tràn niềm vui và niềm vinh dự cho một năm học cũ đã trôi qua, với đầy những thắng lợi và thành công của nhà trường trên trận đường trồng người của mình. Tôi hiểu được rằng, ngay giây phút này đây ai ai cũng tràn đầy niềm vui, nhưng riêng tôi niềm vui ấy gấp ngàn lần so với các đồng nghiệp vì đây là lần đầu tiên tôi được “tết thầy cô giáo”. Và thế rồi buổi lễ cũng đã bắt đầu và diễn ra một cách rất long trọng và trang nghiêm, đặc biệt là các bài diễn văn với nội dung thật xúc động, do chính các em học sinh đọc và diễn đạt rất cảm xúc về các công lao to lớn của các thầy cô giáo. Tôi bồi hồi nhớ lại những thầy cô đã dìu dắt tôi trong suốt thời gian qua.Và thầm mong thầy cô tôi luôn mạnh khỏe để dìu dắt tiếp những thế hệ sau. Phần đọc diễn văn xong, đến lúc các học sinh cài những bông hoa tươi thắm cho giáo viên. Tôi được một em học sinh lớp mười hai cài hoa hồng màu đỏ thắm trên áo. Lúc ấy, tôi cảm thấy thật sự rất hạnh phúc và tự nhiên trong lúc này tôi lại suy nghĩ mình có xứng đáng để được nhận bông hoa này không? Mình đã làm tròn trách nhiệm của một giáo viên trong một năm qua chưa? Rất nhiều câu hỏi đặt ra trong lòng tôi và tôi cứ bâng khuâng mãi. Giờ làm lễ đã xong, học sinh ra về hết, đột nhiên có một học sinh nữ lớp 10B8 lại tặng tôi giỏ bông hồng rất đẹp và xinh xắn. Trong giỏ còn có một mảnh giấy xếp rất khéo tay với lời chúc “Chúc cô luôn vui vẻ và trẻ đẹp. Cô ơi! lớp em xin hứa từ nay chúng em sẽ cố gắng học hành và không làm cô buồn nữa”. Khi đọc đến những dòng chữ này, nước mắt tôi đã lăn dài trên má, những giọt nước mắt rơi trong ngày hai mươi tháng mười một đầu tiên của một cô giáo trẻ. Cảnh vật trước mắt tôi giờ đây bỗng dưng nhòe đi, làm tôi nhớ lại những ngày đầu tiên đặt chân lên bụt giảng của lớp 10B8, trước những cặp mắt non trẻ nhìn tôi đầy thiện cảm. Ôi! Những học sinh bé bổng của tôi, đang chờ đợi để đón nhận ở tôi nhiều điều. Và tôi sẽ cố gắng hết sức truyền đạt kiến thức cho các em với tấm lòng đầy nhiệt quyết của một giáo viên trẻ. Thế nhưng, sau nhiều lần thi và kiểm tra thì kết quả của lớp không như tôi mong muốn, tôi đã nhiều lần động viên và thay đổi cách thức truyền đạt cho các em nhưng kết quả vẫn không cải thiện. Niềm tin của tôi như bị dập tắt, tôi cảm thấy hụt hẫng và rất buồn. Đột nhiên hôm nay, tôi nhận được những lời hứa của lớp mà tôi đã từng đặt nhiều niềm tin để rồi thất vọng. Những lời hứa đó đã làm tôi có lại niềm tin và hy vọng vào học sinh của tôi. Tôi tự nhủ với lòng là sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để giáo dục các em, và tôi cố gắng sao cho những bài giảng của tôi sau này sẽ là những bài học về kiến thức giáo dục và đạo lí làm người cho các em học sinh của tôi, và tôi cũng hiểu rằng “Con người sinh ra đều có lòng hướng thiện là lòng hướng thiện đó nó có ra hoa kết trái và được xã hội gìn giữ hay bị thui chột đi là do sự giáo dục của gia đình, của nhà trường và các quan hệ xã hội”. Tôi sẽ góp mọt phần công sức nhỏ để hướng cái mầm hướng thiện được đơm hoa kết trái cho đời.

Tôi thầm cảm ơn lớp 10B8 đã tặng tôi món quà đối với tôi không có gì quý giá hơn là lời hứa đó trong ngày hai mươi tháng mười một này. Nó sẽ là một nguồn động lực để tôi tiếp tục phấn đấu cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.

GV Trương Thị Mỹ Dung - THPT Thới Lai

Hiền tài là nguyên khí quốc gia