previous arrow
next arrow
Toàn thể Giáo viên, nhân viên trường THPT Thới Lai -
Tại thời điểm năm học 2020 - 2021
Slider

“Muốn sang phải bắc cầu kiều Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”

Ảnh: Kỉ niệm 30 năm thành lập trường THPT Thới Lai Cô Loan đứng ở vị trí thứ 5 bên phải qua

Câu ca dao bất hủ ấy mặc dù đã ra đời khá lâu nhưng nó vẫn còn giữ nguyên giá trị và sống mãi trong lòng các thế hệ học trò cho đến ngày hôm nay. Để hòa mình vào dòng chảy tri ân của lòng yêu thương vô bờ bến đó, hôm nay nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu và vinh danh tấm gương điển hình trong hoạt động sư phạm của Trường Trung học phổ thông Thới Lai. Đó là cô: Trần Thị Tuyết Loan – một cô giáo miền Tây yêu nghề và tâm huyết, một cánh chim không mỏi trong sự nghiệp trồng người. Trong một chuyến thăm, trên con đường khoảng 27 km từ trường Trung học phổ thông Thới Lai đến nhà cô, cách chợ Bình Thủy không xa. Trước mắt chúng tôi là hình ảnh một ngôi nhà với khoảng sân không rộng lắm nhưng đầy cây xanh và hoa. Bên trong được bày trí ấm cúng, nhẹ nhàng mà đầy nghệ thuật. Chúng tôi được cô đón ngay trước cổng, vừa bước vào nhà cô nồng hậu mời tất cả mọi người ngồi ghế và dùng nước. Sau những lời thăm hỏi sức khỏe, tôi hỏi cô về cuộc đời khi bắt đầu sự nghiệp giáo dục. Nhớ lại những ngày đầu nhận công tác, cô tâm sự: “Cô tốt nghiệp Đại học Cần Thơ năm 1983, chuyên ngành Sinh học và Kỹ thuật phát triển nông nghiệp. Khi ra trường, cô được phân công giảng dạy ở Cờ đỏ (Trường Trung học phổ thông Hà Huy Giáp hiện nay). Nhưng cô sinh viên ngày ấy đã không nhận quyết định vì sợ đường xa, cảnh lạ để rồi năm sau (1984) nhận quyết định về Trường Trung học phổ thông Thới Lai (thời đó là phân hiệu của Trường Trung học phổ thông Lưu Hữu Phước, thuộc quận Ô Môn bây giờ) và gắn bó từ ngày ấy. Ngày xưa, đường từ Ô Môn tới Thới Lai, trời nắng thì bụi mù, trời mưa thì bùn lầy. Phương tiện di chuyển của giáo viên thời đó chủ yếu là xe đạp và tàu (những chiếc giỏ lãi, tàu nhỏ và dài với bề ngang vừa đủ hai người ngồi). Đi xe đạp thì phải đi từ lúc trời tờ mờ sáng nên cô thường đi từ chiều hôm trước, mà đi tàu cũng lắm nhọc nhằn, sáng sớm, nào là hàng hóa, nào là người cùng chen chúc nhau, người đến trước, ngồi trước, người đến sau thì ngồi sau. Nhưng để có thể đến chỗ ngồi sau chỉ có một đường duy nhất: đi trên be tàu rồi lên mui vòng ra sau. Đó là cả một vấn đề với người chưa từng quen sông nước. Lần đầu tiên phải đi trên be tàu, cô đã trượt chân, chút xíu là rơi xuống nước, may mà có người giữ lại được. Dù vậy, cô cũng phải cố gắng vượt qua mui tàu để đến chỗ ngồi và khi tàu cặp bến thì được… miễn phí. Những lúc cực khổ quá, cô cũng tỏ ra chán nản, nhiều lần về nhà nghỉ luôn mấy ngày liền không lên trường. Nhưng rồi cũng quen dần với nghề, với các thế hệ học sinh, với con người và mảnh đất Thới Lai nên không thể rời xa!” Và cứ như thế thời gian thấm thoát trôi, cô gắn bó gần trọn 30 năm với ngành Sư phạm. Với mảnh đất này, cô thật sự xúc động trước sự đùm bọc, sẵn sàng sẻ chia của phụ huynh cùng với tình yêu thương của các em học sinh. Đó là động lực lớn lao, giúp cô kiên trì, bền bĩ vượt qua tất cả mọi khó khăn để bám trụ và đứng vững với nghề. Mặc dù đã qua tuổi thanh xuân nhưng nhìn hình dáng bên ngoài ít ai biết cô đã ngoài 50 tuổi, bởi cô luôn tươi trẻ, nhanh nhẹn. Càng ngạc nhiên hơn, lúc nào cô cũng năng động tham gia tích cực các phong trào thi đua do ngành tổ chức như: “Nét đẹp nhà giáo”, các hội thi Khéo tay kỷ niệm 08 tháng 3, Mừng xuân, Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp thành phố…Cô từng là người đẹp Thới Lai thướt tha trong tà áo dài hay đằm thắm trong chiếc áo bà ba của cô con gái miệt vườn Nam bộ. Học trò thì hay gọi “cô Loan hoa hậu” để phân biệt. Có thể thật sự cô không đẹp như một hoa hậu nhưng với sự yêu thương của các em và chỉ riêng với các em, cô là một hoa hậu dễ thương và đáng mến nhất. Cô từng đạt Giáo viên dạy giỏi cấp huyện 3 năm liền (1987 – 1990), Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh 2 năm (năm học 1992 – 1993 và 2001 – 2002). Ban giám khảo các phong trào, các hội thi do trường tổ chức bao giờ cũng có tên cô như: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong học sinh và giáo viên, “Hội thi lồng đèn”, “ Hội thi kể chuyện sách”, “Hội thi thời trang”, “Giáo viên dạy giỏi vòng trường”… Cô luôn xác định, mỗi người chúng ta cần phải học tập và làm theo gương Bác. Nhất là giáo viên thì phải xem việc tự học là nhiệm vụ thường xuyên để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu giảng dạy và hoàn thành tốt nhiệm vụ: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây; Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” Cô còn chia sẻ thêm, chính bản thân mình cũng không ngừng tự học, tự bồi dưỡng về chuyên môn và nghiệp vụ, với suy nghĩ “Học là nhiệm vụ suốt đời, học từ thầy, học từ đồng nghiệp, học từ sách vở và học từ cuộc sống xung quanh ta...”. Đặc biệt bộ môn của cô gắn liền với thực tiễn, với đời sống, cô càng cần tìm hiểu nhiều hơn, trong thời đại mở hôm nay. Dù dạy môn tự nhiên nhưng cô có cách truyền đạt đầy cảm xúc với giọng nói nhẹ nhàng và đặc biệt là rất quan tâm đến văn chương. Cô thường giới thiệu với chúng tôi về một bộ phim hay đang phát sóng hay cùng chia sẻ về một chương trình có ý nghĩa nào đó. Trong các buổi chuyện trò, thế nào chúng tôi cũng được biết đến một câu chuyện cười nhẹ nhàng, ý nhị do cô sưu tầm. Khi sinh hoạt ngoại khóa cho các em học sinh về chuyên đề “Sức khỏe sinh sản vị thành niên và thanh niên”, các em không thể quên được câu chuyện “Không được! Dừng lại!” hay cô đồng nghiệp của tôi nhất định tìm hiểu ngay về bài thơ “Lá diêu bông” của thi sĩ Hoàng Cầm mà cô nhắc đến khi giới thiệu cảm xúc về tình yêu của tuổi mới lớn. Giờ tôi mới chợt nhận ra là giáo viên cũng là nghệ sĩ. Chỉ bằng giọng nói, với tấm chân tình và trình độ nhất định, chúng ta có thể làm những điều tưởng chừng khô khan, khó nói trở nên sống động, gần gũi và dễ hiểu. Chỉ những điều xuất phát từ trái tim mới có thể lay động chính trái tim mà thôi. Cuối cùng thì bao công sức của cô đã không phí, không hoài. Năm 2000, cô được tặng Huy chương “Vì Sự nghiệp giáo dục” (lúc cô mới có 16 tuổi nghề). Đặc biệt năm 2010, cô vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Cô luôn đi đầu trong phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Năm 2012, cô được tặng Kỷ niệm chương “Vì Sự nghiệp công đoàn”. Ở trường, cô là một người thầy, người chị, người bạn gương mẫu, giàu kinh nghiệm được đồng nghiệp quý mến, học trò kính trọng, thương yêu. Trên lớp, cô luôn xem trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin và đổi mới phương pháp giảng dạy nên những bài học của cô luôn sinh động và hứng thú. Nhất là phát huy được tính tích cực, chủ động của học sinh. Tiết học của cô, luôn là những giờ học mong đợi của nhiều học sinh. Các em cứ tiếc ngẩn ngơ sao mà qua nhanh quá, khi tiếng trống hết tiết vang lên. Khi nói về cô, em Thanh Toàn học sinh lớp 12A5 (2013 – 2014) tâm sự: “Cô Loan dạy rất dễ hiểu, những ví dụ cô đưa ra về môn học rất gần gũi với cuộc sống nên em tiếp thu bài rất nhanh, giọng cô rất nhẹ nhàng, những gì các bạn không hiểu cô đều tận tâm chỉ dạy …” hay những lá thư học trò viết hỏi thăm cô đầy xúc động: “Bằng ngôn từ bình dị nhất. Cùng những điều tốt đẹp nhất. Chúng em cảm ơn vì tất cả những gì đã qua…!...! Mong cô luôn gặp những gì tốt đẹp nhất trong cuộc sống…!...!” Lớp 12A3 (2012 – 2013) Bằng chứng là năm năm gần đây, Tổ Sinh học luôn có học sinh giỏi cấp thành phố. Năm học nào, cô cũng nhận Giấy khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Sở giáo dục và đào tạo, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở… Bên cạnh công tác giảng dạy, cô còn đảm nhiệm chức vụ Tổ trưởng chuyên môn. Tích cực tham mưu và giúp Ban lãnh đạo trong việc quản lý tổ cũng như các hoạt động sư phạm khác. Cô luôn tận tâm, thân thiện, khích lệ và hết lòng giúp đỡ các thành viên trong tổ, nói riêng và đồng nghiệp nói chung. Với cách thức làm việc khoa học và nhân văn, cô đã điều hành tổ chuyên môn hoạt động tốt và đi vào chiều sâu, nhiều năm liền đạt danh hiệu Tổ tiên tiến xuất sắc. Khi nói nói về cô, Thầy Nguyễn Mạnh Hùng – Hiệu trưởng nhà trường nhận xét: “Cô Loan là giáo viên dạy lâu năm, dày dặn kinh nghiện, có nhiều cống hiến cho trường. Cô tích cực tham mưu và giúp đỡ cho Ban giám hiệu trong việc quản lí tổ cũng như các hoạt động sư phạm khác. Mặc dù nhà xa, điều kiện đi lại khó khăn nhưng cô vẫn gắn bó với trường, trong khi cô có nhiều cơ hội luân chuyển công tác để được gần nhà. Cô Loan là một giáo viên gương mẫu, có kiến thức chuyên môn sâu rộng và vững vàng. Luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn cũng như công tác quản lý tổ. Cô lúc nào cũng hòa đồng, quan tâm giúp đỡ đồng nghiệp, tâm huyết với nghề, hết lòng yêu thương các em học sinh đặc biệt là những em gặp khó khăn…” Cô từng hỗ trợ kinh phí cho 02 đoàn viên ưu tú có hoàn cảnh khó khăn tham gia về nguồn do Đoàn trường tổ chức ở Hà Tiên (2012 – 2013). Sau mỗi đợt kiểm tra của khối 12, cô thường có quà cho các em đạt điểm từ 7.5 trở lên, các em có tiến bộ vượt bậc, các em là con giáo viên và các em có hoàn cảnh khó khăn. Phần quà đơn giản chỉ là tài liệu ôn tập bộ môn do các thầy, cô trong Tổ Sinh học tuyển chọn dưới sự hướng dẫn của cô. Dù nhỏ, nhưng đó là cả tâm huyết và tình cảm thân thương mà cô gởi gắm trong từng kiến thức trọng tâm cũng như hình thức trình bày. Và đôi lúc nó chiếm một khoảng không nhỏ lương của cô. Với riêng cô, đó cũng là cách mà cô đền đáp phần nào về những gì cô đã nhận được trước đây, từ Thầy, Cô của mình. Nước mắt bao giờ cũng chảy xuôi là vậy. Cô còn là người rất đảm đang. Cô bày cho các đồng nghiệp nữ cách móc giỏ, nón, túi đựng điện thoại làm quà cho người thân cũng như tăng thêm thu nhập cho gia đình. Cô Ngọc Thủy trường tôi, từ một người chưa biết kim móc ra làm sao, giờ thì móc nhanh thoăn thoắt. Cô còn tự may áo dài, áo bà ba cho mình. Khi nói về công việc gia đình, cô bảo: “Chẳng làm gì hết…các em cô đều làm tất cả mọi thứ cho cô”. Nhưng gia đình cô gồm 12 thành viên, cô thứ ba đồng nghĩa là chị lớn nên cũng chịu nhiều vất vả để phụ ba mẹ lo cho các em ăn học. Cô cho biết, lẽ ra cô nghỉ học từ năm lớp 11 (1977 – 1978) để học lớp sư phạm, về dạy cấp I. Nhưng một người bạn của ba cô khuyên: “Con ra đời sớm sẽ khổ sớm!”. Nhờ vậy cô mới có ngày hôm nay. Trong 10 anh chị em cô thì có phân nửa theo nghề của ba: đi dạy học. Năm 2004, cô và người em thứ năm dạy ở Thạnh Trị (thầy Trần Anh Tân) cùng nhận giải thưởng Võ Trường Toản do Công ty Prudential và báo Sài gòn Giải phóng tổ chức. Các thành viên còn lại đều có nghề nghiệp ổn định. Hiện nay, cô sống cùng với ba mẹ và hai người em. Qua những lời tâm sự của cô, tôi cảm nhận được một điều: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi…” (Trịnh Công Sơn). Mặc dù tôi biết trong những chuyến đò đưa khách sang sông ấy ít có người khách nào tìm lại. Cũng như mưa từ trên trời mưa xuống chứ đâu có dưới đất mưa lên. Học trò ra trường rồi cũng vậy, các em sẽ tìm tới một chân trời mới chứ ít ai có đôi lần tìm lại nơi xưa: “Lặng xuôi năm tháng êm trôi Con đò kể chuyện một thời rất xưa Rằng người chèo chống đón đưa Mặc cho bụi phấn giữa trưa rơi nhiều” Nhưng chúng tôi tin chắc rằng, với sự tận tâm, với tấm lòng yêu thương học sinh vô bờ bến thì hình ảnh của cô sẽ luôn sống mãi trong lòng mỗi thế hệ học sinh. Kết thúc chuyến thăm cô, trên bước đường trở về, lòng tôi ngẩn ngơ và tự đặt ra nhiều câu hỏi về mình, về nghề mà mình đang theo… Bất chợt, một âm thanh từ xa vọng lại làm tôi sực tỉnh và dõi mắt chăm chú nhìn theo cánh chim bay mải miết lao vút giữa bầu trời.

GV Võ Thanh Mãi - THPT Thới Lai

Hiền tài là nguyên khí quốc gia